-
- Tổng tiền thanh toán:
Lưu ý khi đi du lịch đến nơi có sóng nhiệt
Du khách nên tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sóng nhiệt để kỳ nghỉ đến những điểm có thời tiết cực đoan không trở thành thảm họa.
CNN mới đây đăng tải những lưu ý hướng dẫn du khách du lịch an toàn đến những nơi bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt.
Các địa điểm đang ảnh hưởng bởi sóng nhiệt
Một số điểm đến trên khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á đang trải qua mùa hè đổ lửa ảnh hưởng từ nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Tại Mỹ, nhiệt độ ở thung lũng Chết, California, nơi nóng nhất Trái đất, lên tới 53 độ C vào những ngày giữa tháng, theo báo cáo của Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ. Du khách ở Texas và Florida cũng phải đối mặt với thời tiết đặc biệt nóng trong vài tuần qua. Hôm 18/7, nhiệt độ trung bình ghi nhận tại bang Arizona là 43 độ C.
Tại châu Âu, quan chức Italy và Pháp đã đưa ra các cảnh báo về sức khỏe do thời tiết cực đoan. Bộ y tế Italy đã ban hành cảnh báo thời tiết màu đỏ, báo hiệu mối đe dọa sức khỏe tiềm ẩn với những người tiếp xúc với nắng nóng. Sóng nhiệt ảnh hưởng đến ít nhất 23 thành phố ở Italy, khi nhiệt độ trong tuần qua liên tục ở ngưỡng 40-44 độ C. Đầu tuần, một số du khách đến Italy đã ngã quỵ vì say nắng, một du khách Anh đã bất tỉnh ở gần đấu trường La Mã.
Nắng nóng cũng đang gia tăng ở Tây Ban Nha. Giới chức đảo Mallorca, điểm nghỉ dưỡng hè nổi tiếng, đã đưa ra cảnh báo với du khách khi nhiệt độ trung bình được dự đoán có thể lên tới 43 độ C.
Tuần trước, Bộ văn hóa Hy Lạp thậm chí phải ra quy định đóng cửa di tích Acropolis ở Athens vào khung giờ từ 11h đến 17h do nắng nóng cao điểm.
Nữ du khách làm mát cơ thể tại đài phun nước gần Bậc thang Tây Ban Nha ở Rome, Italy, ngày 17/7. Ảnh: Reuters/Guglielmo Mangiapane.
Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao nhất chưa từng có vào cuối tuần trước, khi nhiệt độ tăng lên gần 52 độ C ở Tân Cương.
Các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu liên tục bị phá vỡ trong vài tuần gần đây và tình hình nắng nóng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu sơ bộ của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), tháng 6 đánh dấu nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từng được ghi nhận và mức nhiệt kéo dài sang tháng 7.
Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn khi Trái Đất nóng lên, tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn nước.
Ở những khu vực nhiệt độ "như thiêu đốt", hoạt động tham quan của khách du lịch có thể gặp khó khăn, khiến họ phải thay đổi hoặc hủy bỏ lịch trình. Trẻ nhỏ hoặc du khách lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính dễ gặp các nguy cơ về sức khỏe do nắng nóng gây ra. Du khách đến những điểm được dự báo nắng nóng nên cập nhật liên tục các cảnh báo an toàn của chính quyền địa phương. Thậm chí nên hủy chuyến đi nếu tình hình sóng nhiệt nghiêm trọng.
Nên làm gì khi du lịch đến vùng nắng nóng cực đoan?
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên du khách nên tham gia các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng. Do nhiệt độ bắt đầu tăng từ khoảng 11 giờ, giữa trưa là thời điểm nóng nhất trong ngày. Nhiệt độ tiếp tục tăng cho đến đầu giờ tối và nhiệt độ vào buổi chiều ngột ngạt hơn nhiều so với buổi sáng.
Du khách nên rửa tay, cổ tay, nhất là mặt và cánh tay, bằng nước mát càng thường xuyên càng tốt. Tại Châu Âu, du khách có thể ghé các đài phun nước xuất hiện ở mọi nơi. Ngoài ra, nên tắm nước mát khi có thể và cố gắng hong khô cơ thể. Chính quyền Italy đưa ra lời khuyên người dân nên dành ít nhất ba giờ mỗi ngày trong môi trường có điều hòa nhiệt độ. Du khách nên tìm một bảo tàng, phòng trưng bày hoặc nhà hàng mát mẻ để tránh nóng trong phòng điều hòa.
Trang phục trong mùa nóng ưu tiên quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát, thoa kem chống nắng thường xuyên và liên tục thoa lại sau vài giờ. Du khách có thể mang theo quạt giấy hoặc quạt chạy pin cầm tay để hạ nhiệt.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) khuyên du khách nên uống nhiều nước hơn mức bình thường và đừng đợi đến khi cảm thấy khát mới uống. Ưu tiên thực phẩm chứa nhiều nước như rau xanh và các món salad, ăn thêm trái cây như dưa hấu hoặc nho.
Người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp cần cẩn trọng khi du lịch mùa nóng, nên kiểm tra điểm lưu trú có lắp điều hòa khi du lịch châu Âu. Nhiều địa điểm tại châu Âu thường không sử dụng điều hòa.
Nên chuẩn bị bảo hiểm du lịch chi trả các chi phí y tế trong trường hợp sức khỏe bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, sẽ có bảo hiểm chi trả.
Triệu chứng say nắng do sóng nhiệt
Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, CDC khuyên du khách nên đến các phòng khám hoặc bệnh viện địa phương ngay lập tức. Các triệu chứng say nắng bao gồm nhiệt độ cơ thể trên 39,4 độ C, da nóng và đỏ mà không đổ mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, đau bụng thậm chí bất tỉnh. Theo CDC, những người bị say nắng nên làm mát cơ thể nhanh chóng bằng quạt và nước mát trên da thay vì uống nhiều nước hơn.
Kiệt sức vì nóng có dấu hiệu đổ mồ hôi nhiều, chuột rút cơ bắp, kiệt sức và da nhợt nhạt. Một số trường hợp có thể bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng và ngất xỉu. Những người mắc bệnh mãn tính, người già, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì nắng nóng cao hơn.
Phương tiện giao thông bị ảnh hưởng
Sóng nhiệt có thể gây ảnh hưởng đến các chuyến bay, trọng lượng trung bình của máy bay trở nên nặng hơn khi bay đến vùng có nắng nóng cực đoan, do đó hành khách có thể bị yêu cầu hủy chuyến để đảm bảo trọng lượng an toàn cho chuyến bay. Đường ray xe lửa và thậm chí cả đường bộ có thể bị cong vênh trong điều kiện nhiệt độ cực cao. Năm 2022, thành phố London sơn đường ray màu trắng và che phủ một cây cầu bằng giấy bạc để hạn chế tác động từ sóng nhiệt. Ngoài ra, du khách dễ mệt lả khi chờ đợi phương tiện giao thông công cộng trong tiết trời oi nóng.
Điều hòa không phổ biến ở châu Âu
Điều hòa phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhưng lại ít gặp ở châu Âu. Đây là vấn đề với nhiều du khách đến châu Âu mùa hè. Một nghiên cứu năm 2018 của Cơ quan năng lượng quốc tế cho thấy chưa đến 10% hộ gia đình ở Châu Âu có điều hòa, trong khi con số này ở Mỹ là 90%. Nếu du khách đặt phòng dạng Airbnb ở châu Âu, phải chấp nhận chuyện rất khó tìm được phòng lắp điều hòa. Phần lớn tòa nhà ở châu Âu được xây theo kiểu cũ, thường ngột ngạt khi nhiệt độ tăng cao. Du khách muốn tìm điểm lưu trú có điều hòa có thể tìm khách sạn lớn trong thành phố, chi phí cao. Hầu hết các phòng nghỉ ven biển không lắp điều hòa.
Tại các trạm chờ phương tiện giao thông công cộng ở châu Âu như ga tàu điện ngầm cũng hiếm khi có máy lạnh. Du khách có thể cài ứng dụng du lịch Citymapper, tìm kiếm các tuyến giao thông công cộng có điều hòa. Trong trường hợp đi bộ trên đường và cần tìm nơi có điều hòa tránh nóng, du khách nên đến các rạp chiếu phim.
Nắng nóng kéo dài trong bao lâu?
Hiện chưa có dự báo nào đảm bảo sóng nhiệt sẽ giảm trong tháng 8 tại các điểm du lịch toàn cầu, du khách nên cập nhật thông tin liên tục. Theo cập nhật mới nhất từ Tổ chức khí tượng Thế giới (WMO), nắng nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Âu và có thể kéo dài qua tháng 8. Ở phía tây nam nước Mỹ, thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ tiếp tục cho đến ngày 28/7. Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến phía trung nam và đông nam của Mỹ.
Nguồn: VnExpress