-
- Tổng tiền thanh toán:
Việt Nam vẫn bỏ lỡ khách 'đẻ trứng vàng' MICE
Ngành du lịch Việt vẫn chưa thu hút được khách du lịch theo đoàn MICE, những người sẵn sàng chi trả cao khi đi nghỉ.
Theo dữ liệu từ CBI (Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, MICE là thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch. Năm 2019, thị trường MICE thu về trên toàn cầu 916 tỷ USD và dự kiến đạt 1.439 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030, doanh thu dự kiến 1.780 tỷ USD. Châu Âu là thị trường MICE lớn nhất thế giới, trong khi châu Á đang ngày càng chú ý đến du lịch MICE.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều lợi nhuận từ tệp khách hàng chi trả cao này dù ngành du lịch coi việc phát triển du lịch MICE là một trong những định hướng quan trọng đến năm 2025. "Chúng ta gần như chưa có các thống kê, nghiên cứu chuyên sâu về thị trường này", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu trong hội thảo Du lịch MICE: Xu hướng và Cơ hội, diễn ra tại Hà Nội tối 14/9.
MICE là từ viết tắt của Meeting Incentive Convention Exhibition hay du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khuyến thưởng, triển lãm hoặc tổ chức sự kiện. Đoàn du lịch MICE đông, thường xuyên lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn khách, chi tiêu cao hơn khách đi tour thông thường.
Khách MICE là những người được mời tham dự sự kiện du lịch do một đơn vị tổ chức. Chân dung khách MICE được phác họa trên toàn cầu thường là những khách VIP, có vị trí quan trọng, ảnh hưởng ở phạm vi rộng, thu nhập cao hoặc khả năng chi trả cao. Các cuộc hội thảo nằm trong chuyến du lịch MICE thường được tổ chức tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao và sử dụng các dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, đây cũng là những khách hàng khắt khe, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao trong dịch vụ.
MICE không phải là loại sản phẩm du lịch mới và đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh bởi giá trị mang lại cao hơn nhiều so với du lịch cá nhân hay du lịch nhóm. Thái Lan và Singapore là những nước đi đầu về du lịch MICE ở Đông Nam Á.
Tiến sĩ Lê Anh, Phó chủ tịch CLB MICE Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nhận định trước dịch Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo ước tính của các doanh nghiệp trong nước, khách MICE ở các công ty lữ hành chiếm trung bình 15-20% tổng lượng khách và lên đến 60% tại một số đơn vị lớn trong những tháng cao điểm. Khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700-1.000 USD một ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD một ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD, theo khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia.
CEO Vietluxtour Hà Nội Lê Hạnh nhận xét sau dịch nền kinh tế các nước trên thế giới và Việt Nam khó khăn hơn. Khách thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có doanh nghiệp dành ngân sách cho du lịch MICE. Do đó hậu Covid-19, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa phát triển và cơ hội kiếm tiền từ dòng khách du lịch hạng sang này.
Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE như văn hóa bản sắc, ẩm thực phong phú, bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và an toàn. Dù Singapore là thị trường hàng đầu về du lịch MICE tại Đông Nam Á, nơi này quá hiện đại, khách đến chủ yếu đi mua sắm. Trong khi đó khách MICE đang hướng tới các trải nghiệm tìm về nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên hoặc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa địa phương sau khi các cuộc hội thảo kết thúc. Việt Nam có đầy đủ các ưu thế để đáp ứng nhu cầu đó của khách du lịch.
"Nếu chúng ta làm tốt việc quảng bá để thu hút khách MICE, Việt Nam có thể sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ dòng khách này", đại diện một công ty du lịch chuyên đón khách MICE châu Á đến Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, giá rẻ cũng là một lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt. CEO Đất Việt Tour Đỗ Văn Thức cho biết từng phải thuê màn hình LED với giá "trên trời" khi tổ chức sự kiện cho 300 khách Việt tại Bali, Indonesia. "Trong khi đó ở Việt Nam yêu cầu gì có đó, chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh hơn", ông nói.
Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc phát triển du lịch MICE cần có sự đồng bộ về chính sách, chiến lược. Hiện nay Việt Nam chưa có chiến lược riêng về phát triển loại hình du lịch này. Tại Việt Nam các doanh nghiệp đều đang tự làm và dựa trên kinh nghiệm cá nhân là chính, cơ quan nhà nước vẫn đang "mày mò".
Theo tiến sĩ Lê Anh, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE tại Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức. Việt Nam hiện có nhiều khách sạn 5 sao song số phòng, công suất phòng họp còn ít. Không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá loại hình du lịch này ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
Khó khăn nhất hiện nay là thiếu nhân sự, dù các công ty liên tục tuyển dụng mới. Nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh MICE đã phải trả thu nhập cao để thu hút nhân sự du lịch đã chuyển ngành trở lại làm việc và đào tạo cấp tốc cho sinh viên các trường du lịch.
Việc thiếu nguồn vốn lưu động cũng khiến các doanh nghiệp chuyên dòng MICE phải căng thẳng lo liệu vì các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển đều yêu cầu bảo lãnh tạm ứng nguồn tiền. Nhưng khi vào mùa cao điểm, khách đông, dù doanh nghiệp tổ chức MICE có nguồn tiền, các đơn vị cung ứng dịch vụ vẫn không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách.
Tiến sỹ Lê Anh cho rằng để du lịch MICE thực sự trở thành "đặc sản" của du lịch Việt Nam, các địa phương cần kết hợp điểm đến, tiếp tục đầu tư hạ tầng xứng tầm, triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ sẽ giúp du lịch MICE bứt tốc trong thời gian tới.
"Đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao là yếu tố cần thiết nhất cho du lịch MICE Việt Nam hiện nay bên cạnh tính kết nối, chọn lọc khắt khe các điểm đến và sản phẩm du lịch", Tiến sĩ Lê Anh nhận xét.
Nguồn: VnExpress.